Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

SỨC SỐNG KỲ DIỆU TỪ ĐÁ ONG

Tạo hóa đã ban tặng cho con người nhiều tài nguyên vô giá nhưng không phải bất cứ miền quê nào trên dải đất hình chữ S cũng có được sự ưu ái đó. Về với xứ Đoài, chúng ta sẽ được thấy thứ tài nguyên đặc biệt mà những kiến tạo địa chất từ hàng triệu năm trước đã ban tặng cho mảnh đất này - đó chính là đá ong

Đằng sau vẻ ngoài xù xì, lỗ chỗ như tổ ong, đá ong xứ Đoài mang trong mình một vẻ đẹp bí ẩn. Người dân nơi đây ví đá ong như những viên ngọc quý, càng giũa qua nắng mưa, thời gian càng có vẻ đẹp hoàn hảo hơn. Khi được chế tác qua đôi tay tài hoa của người thợ, những khối đá ong tưởng chừng như vô tri, vô giác ấy như được thổi hồn và mang trong mình một sức sống diệu kỳ.

Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, là nơi ta có thể chứng kiến được sức sống diệu kỳ từ đá ong. Những bức tường đá ong nhuộm sắc vàng óng cho con đường vào làng tạo một không gian cổ kính, trầm mặc nhưng quyến rũ đến lạ thường.

Đi trên con làng phóng tầm mắt ngắm nhìn những bức tường đá ong, cho ta cảm nhận về sự cổ kính của một ngôi làng hàng trăm năm tuổi, mang đậm nét thuần nông của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đá ong hiện hữu ở mọi chỗ, từ nhà ở, giếng, hàng rào, cổng ngõ đến nơi thờ tự linh thiêng, gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân từ đời này sang đời khác.

Xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của loại đá này. Qua bàn tay tài hoa của những người thợ, những khối đá ong thô sơ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật với đường nét mềm mại, sống động.

Người ta nói rằng, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ đá ong, chính là đang thi gan với đá. Câu nói này quả thật không sai, người chế tác lấy sức mềm yếu của con người để đối chọi với sự cứng rắn của đá ngàn năm. Yêu cầu khắt khe đối với người làm nghề, phải luôn giữ cho mình sự bình tĩnh, cẩn trọng, chỉ một chi tiết bị méo mó có thể đánh mất đi vẻ đẹp của tượng đá ong. Đá ong vừa mềm lại vừa giòn, để tạo được một sản phẩm, người thợ phải mất hàng tháng trời, khó nhất là việc tạo các đường cong, họa tiết sao cho mềm mại từ những khối đá cứng.

Theo chân anh Nguyễn Đại Lợi, một thanh niên trẻ trong làng đã gắn bó với nghề tạc đá ong gần 10 năm nay, chúng tôi đã biết được những viên đá ong vàng óng được mang lên từ lòng đất như thế nào.

Ở đây, cứ đào xuống đất chừng nửa mét là sẽ gặp ngay đá ong. Phải đào qua hai lớp đá bản và đá thân để tìm đến lớp cuối cùng là lớp đá chân, người thợ mới có được những khối đá có độ cứng và độ chịu lực tốt nhất.

Để có được những khối đá vuông thành sắc cạnh, người thợ buộc phải dùng cơ bắp kết hợp với một chiếc “thó” dài chừng hai mét để xén đá. Theo anh Lợi, với những người biết làm nghề, phải trải qua 470 lần xén, mới có thể hoàn thành một viên đá ong thô như thế này. Một công việc đòi hỏi nhiều sức lực, sự kiên trì và cũng thật nhiều những khó khăn, thử thách.

Anh Nguyễn Đại Lợi, xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội: “ Đá ong ở quê tôi rất độc đáo và nổi tiếng bởi chất đá đẹp, già, rắn. Nhưng trong thời gian sắp tới, nguồn nguyên liệu này nó khan hiếm đi, bởi vì ngày trước khai thác ồ ạt và không có tổ chức. Thứ 2 trong công việc của mình, người thợ đòi hỏi phải là người có sức lực, có sức khỏe dẻo dai và chịu khó vì công việc rất nặng nhọc.”
       
Những viên đá ong sau khi được mang lên từ lòng đất, phải trải qua công đoạn gọt giũa khá tỉ mỉ mới có thể đưa vào sử dụng cho các công trình kiến trúc. Đặc tính của đá ong rất giòn, nếu sử dụng cưa máy thì coi như hỏng vì động vào là cả khối đá lớn sẽ vỡ vụn ra. Chính vì thế để tạo nên những sản phẩm đá ong, tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công.

Công việc chế tác đá ong đòi hỏi trí và lực, bởi sự nhọc nhằn của nó nên không phải ai cũng có thể theo được nghề. Nhiều gia đình làm nghề đá không cho con cái theo nghề này nữa, vì họ quan niệm nghề đá cũng giống như cục đá, bị người ta đục, đẽo mòn đi, chẳng khá lên được. Nhưng có lẽ vì cuộc sống mưu sinh và trên hết là tình yêu với những giá trị mà tạo hóa đã ban tặng cho quê hương Bình Yên, Thạch Thất mà những thanh niên trong làng, trong xã như anh Nguyễn Đại Lợi vẫn quyết tâm giữ lấy nghề của cha ông để lại, với ước mong sẽ tạo ra nhiều tác phẩm, nhiều công trình kiến trúc mang đầy tính nghệ thuật từ đá ong.

Anh Nguyễn Đình Tưởng, xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ: “ Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Yên, Thạch Thất có nghề đá ong, một nghề mà từ xa xưa các cụ để lại. Tôi muốn làm công việc này để tăng thu nhập cho mình và thứ hai là gìn giữ cái nghề truyền thống mà cha ông để lại. Trong công việc này, vì đá ong là chất liệu rất cứng, rắn nên trong chế tác, mình phải kiên trì, tỉ mỉ, cần phải có độ sắc nét cao thì viên đá mới đẹp, mới có hồn được.”

Đôi bàn tay và thân thể của người thợ làm nghề chế tác đá ong luôn bám đầy bụi đá nhưng tận sâu trong trái tim họ luôn khát khao thổi hồn cho đá mong muốn mang lại cho chúng một sức sống mới.

Theo thời gian, nghề chế tác đá ong cũng có những lúc thăng lúc trầm. Ở thời buổi hiện tại, người ta thích hoài cổ, ưa dùng đá ong cho những công trình kiến trúc như nhà cổ, tường bao, các nhà vườn… Và những viên đá ong được người thợ gọt giũa tỉ mỉ như thế này đã đi vào cuộc sống, để tạo nên một không gian thiên nhiên gần gũi, ấm cúng, mới lạ cho các công trình.

Sáng tạo nên những tác phẩm mỹ nghệ trang trí đã vậy, để có thể xây được một bức tường đá ong còn công phu hơn nhiều. Phải tính toán làm sao để các lớp đá xếp chồng được lên nhau một cách thẳng tắp, không bị lệch, cong so với các đường chỉ không phải là chuyện đơn giản. Có làm được như vậy thì công trình mới có được vẻ cổ kính và bề thế đạt yêu cầu.

Trải qua thăng trầm của thời gian thứ đá lỗ chỗ mang màu nâu của đất, mang hồn khí mộc mạc của vùng đất địa linh nhân kiệt, mang tính cách giản dị của người nông dân Bắc Bộ, tạo nên một nét đặc sắc rất riêng, khó tìm được ở bất cứ  miền quê nào trong cả nước.

Giờ đây, cùng với những cánh thợ, đá ong Bình Yên, Thạch Thất đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc tiếp tục mang thêm sứ mệnh mới để làm đẹp cho quê hương đất nước.

                                                                                                        (Trích nguồn: vtc10.com - Tuyết Nhung)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét